PHONG CÁCH NỘI THẤT ZEN
MANG TÍNH “THIỀN” VÀO KHÔNG GIAN LÀM VIỆC
Hiện nay các phong cách nội thất ngày một đa dạng và nâng cấp, trong đó có phong cách tân cổ điển, phong cách Bắc Âu, phong cách thiết kế nội thất đương đại - Comtemporary, phong cách hoài cổ - Retro, phong cách du mục - Bohemian,... Phong cách Zen mang tính thiền vào thiết nội thất, tạo cho không gian vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng và cảm giác an bình, yên tĩnh. Đối với không gian làm việc, phong cách zen hay tính thiền cũng là lựa chọn phù hợp cho thiết kế nội thất văn phòng hay không gian trưng bày bởi sự tác động tích cực của chúng đến sự tập trung của con người.
1. Tính thiền trong thiết kế nội thất
- Thiền là gì?
Trong Phật giáo, “thiền là sự kết hợp giữa thân thể và ý niệm trong thời gian – không gian hiện tại để nhận biết sự vật, hiện tượng và ý niệm. Thiền là để tĩnh tâm, gạt bỏ mọi tạp niệm để nhận thức bản ngã và thế giới xung quanh một cách đúng đắn, sáng suốt nhất.”
Trong yoga, thiền được coi là Dhyana có nghĩa là dòng chảy của tâm trí – trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ khi tâm trí xuôi chảy không bị cản trở. Như vậy, có thể hiểu thiền (meditation) là khoảnh khắc dành riêng cho tỉnh thức và sự tĩnh lặng. Khi thiền định, tâm thức an trú trong hiện tại để cảm nhận dòng chảy an yên, mang lại sự hợp nhất giữa thân và tâm. Tức là hướng sự chú ý của con người vào thực tại, lắng nghe và cảm nhận chính giây phút này bằng toàn bộ giác quan.
- Tại sao nên đưa thiền vào thiết kế nội thất không gian làm việc?
Dù đứng trên góc nhìn nào, quan điểm nào, thiền định đều tác động đến khả năng tập trung của con người. Đối với văn phòng, đây là điều quan trọng ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả công việc. Đối với không gian trưng bày, khi người xem tập trung cho thực tại, họ sẽ cảm được nhiều nhất có thể về sản phẩm được trưng bày, về câu chuyện mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm. "Thiền định" hướng con người tập trung vào hiện tại – thiết kế hướng con người đến không gian. Khi mang tính thiền vào các thiết kế không gian làm việc thì không gian chính là “hiện tại”, tỉnh thức lúc này dành trọn cho không gian bạn đang thuộc về.
Loại bỏ những thứ rườm rà để không gian tinh gọn, kích thích sự tập trung
2. Phong cách thiết kế nội thất Zen
Phong cách thiết kế Zen là sự kết hợp giữa phong cách nội thất truyền thống Nhật Bản cùng phong cách thiết kế tối giản (minimal), dẫn dắt yếu tố tự nhiên vào trong không gian một cách khéo léo. Những không gian Zen mang vẻ thanh lịch truyền cảm hứng về một lối sống tối giản, gần gũi với thiên nhiên.
- Tính chất
# Tối giản
Zen loại bỏ hoàn toàn những chướng ngại vật, những thứ rườm rà để không gian tinh khiết, nâng sự đơn giản thành nghệ thuật. Một không gian Zen có nghĩa là thư giãn, chiêm nghiệm, cần bằng thị giác và hấp dẫn. Vậy nên không gian cần được tiết chế, giảm bớt lượng hình ảnh mà con người cần tiếp nhận để tập trung hơn vào hơi thở, vào bản thân – tính thiền trong không gian.
# Sự mở mang, không giới hạn
Trong thiền định, người ta nói nhiều tới vòng tròn enso, vòng tròn không khép kín chứa đựng sự thinh lặng, không tâm không suy bất cứ điều gì. Chúng ta không cưỡng cầu để có một vòng tròn đầy đặn bởi chính nó đã là sự hoàn hảo, không gò bó, không giới hạn. Ứng dụng trong thiết kế nội thất, sự không khép kín hay chính là sự mở mang đến tận cùng của tư duy, cảm nhận của con người về không gian. Vòng tròn Enso có thể trở thành cảm hứng cho những họa tiết trong thiết kế nội thất, giúp tạo ra những không gian mà ở đó trí tưởng tượng được tự do.
Vòng tròn Enso trong thiền định
- Đặc điểm
# Ánh sáng
Ánh sáng là yếu tố quan trọng trong thiết kế nội thất Zen. Vượt trên công năng thông thường, sự chiếu sáng trong những không gian Zen được coi là nghệ thuật. Những thiết kế Zen luôn ưu tiên ánh sáng tự nhiên, nguồn sáng mang lại những lợi ích cho sức khỏe và cảm giác an yên, trong lành.
# Màu sắc
Phong cách Zen sử dụng những màu trung tính, nhẹ nhàng, không dùng quá nhiều màu sắc trong cùng không gian để tránh rối mắt, mất tập trung và đúng với tinh thần tối giản. Một số màu sắc có thể kể đến như trắng, màu be, nâu ấm… Để tạo thêm điểm nhấn cho không gian chúng ta có thể sử dụng một số màu sắc khác như màu hổ phách, cam sậm, xanh navy… hoặc những màu sắc của thiên nhiên.
Những màu sắc thường dùng trong không gian nội thất Zen
Việc kết hợp và sử dụng màu sắc trong phong cách zen giúp mang lại cảm giác thư thái, khiến con người trở nên điềm tĩnh, ôn hòa, hơn thế, có thể vận dụng trí tưởng tượng và sáng tạo tốt hơn.
# Vật liệu
Gỗ, tre… là những vật liệu dễ dàng mang lại cảm giác tự nhiên. Đồ nội thất bằng gỗ được sử dụng nhiều, chẳng hạn sàn gỗ màu nâu sậm hoặc đen tạo cho không gian vẻ thanh lịch, sang trọng. Một vẻ đẹp cuốn hút đến từ sự đơn giản, tự nhiên. Các loại vải tự nhiên như cotton, linen cũng là một lựa chọn để mang đến một không gian nhẹ nhàng,tinh tế, tạo cho người dùng cảm giác thư thái thoải mái.
Vật liệu tự nhiên được sử dụng nhiều trong các thiết kế Zen
# Sự yên bình mang lại từ thiên nhiên
Mang tính thiền định vào không gian cũng chính là mang thiên nhiên gần hơn với con người. Khi con người chạm tới thiên nhiên, cảm thức dễ dàng đạt trạng thái trung dung, thư thái, an yên. Nội thất thiền truyền tải tới không gian kiến trúc sự tinh tế, hòa nhịp với thiên nhiên – một không gian mở không giới hạn.
ADORN MUSEUM
Địa chỉ: O-1, TM.01, Tầng 1, Tòa nhà Orchid 1, Hado Centrosa Garden, Số 200, Đường 3/2, Phường 12, Quận 10, TP.HCM, Việt Nam.
Hotline: (+84) 28 3930 3428
Email: support@adornmuseum.com
Giờ hoạt động:
8:30 - 17:30, Thứ 2 – Thứ 6 & 8:30 - 12:00, Thứ 7